Lịch sử phong trào công nhân Phú Riềng Phú Riềng Đỏ

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư bản Pháp, dẫn đầu bởi công ty Michelin, bắt đầu ồ ạt thực hiện đầu tư khai thác và phát triển các đồn điền cao su tại Việt Nam. Theo thống kê của chính quyền thuộc địa, năm 1922, tổng số diện tích trồng cao su ở Đông Dương mới chỉ có 30.000 mẫu nhưng đến năm 1929 con số này đã là 120.000 mẫu. Hàng trăm nghìn người từ khắp Việt Nam (chủ yếu là thanh niên nông dân Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ) đã được tuyển mộ vào Nam để khai thác các đồn điền cao su.

Trong quá trình phát triển đầu tư các đồn điền cao su, tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người công nhân cao su Việt Nam. Thời bấy giờ người ta thường ví đồn điều cao su Phú Riềng như "Địa ngục trần gian", nơi mà "Mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống". Công nhân cao su Phú Riềng hối đó có câu vè:

Lỡ lầm vào đất cao suChẳng tù thì cũng như tù chung thân

Gần 12.000 công nhân cao su trong 45.000 công nhân tại đồn điền đã bỏ mạng trong khoảng thời gian 1917-1941 do chế độ lao động hà khắc và khí hậu khắc nghiệt tại đây.

Do chế độ đối xử tàn nhẫn và hà khắc của chủ đồn điền và quản đốc cuối những năm 1928-1929 một số vụ nổi loạn của công nhân đã diễn ra. Nổi bật là cuộc đấu tranh do Nguyễn Đình Tứ khởi xướng, đã giết chết 6 quản đốc người Pháp. Những người nổi loạn đã bị đàn áp giã man, nhiều người trong số họ bị bắn chết tại chỗ, chặt đầu, xử tử và tù đày. Nguyễn Đình Tư bị xử từ hình tại Sài Gòn.

Cuộc đấu tranh của những người công nhân cao su tại Phú Riềng đã gây một tiếng vang trong dư luận lúc bấy giờ. Những người Cộng sản đầu tiên bắt đầu chú ý đến phong trào công nhân cao su Phú Riềng. Ông Ngô Gia Tự vào Nam từ năm 1927 để gây cơ sở đầu tiên của cách mạng, đã cử Nguyễn Xuân Cừ (tức Vĩnh) lên đồn điền cao su để tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản. Một trong những người công nhân cao su được đảng Cộng sản Việt Nam bắt rễ là Trần Tử Bình.

Đầu năm 1928, theo chỉ thị của Ngô Gia Tự, Nguyễn Xuân Cừ và Trần Tử Bình đi vào tổ chức quần chúng. Họ đã thiết lập Nghiệp đoàn Cao su Phú Riềng với thành viên là 1/3 tổng số những người lao động tại Phú Riềng. Nghiệp đoàn đã đấu tranh với chủ đòi giảm bớt đánh đập, chống cúp lương vô lý, đòi cải thiện sinh hoạt.